Cơn đau răng khôn là nỗi ám ảnh mà hầu như ai cũng phải trải qua khi bước vào độ tuổi trưởng thành. Cơn đau nhức dai dẳng và khó chịu không chỉ ảnh hưởng tinh thần mà có thể làm sa sút sức khoẻ do thiếu ngủ hoặc ăn không ngon miệng, chán ăn. Vậy, có cách nào giúp giảm đau mọc răng khôn không? Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!
1. Tại sao mọc răng khôn lại bị đau?
Đau nhức răng là tình trạng thường gặp nhất khi mọc răng khôn. Nguyên nhân là do:
- Răng khôn là chiếc răng lớn thứ 3 trên cung hàm, mọc ở tuổi trường từ 17 – 25 tuổi. Ở độ tuổi này nướu đã cứng chắc, không còn phát triển nên răng khôn sẽ phải phá vỡ bề mặt nướu để trồi lên. Hành động này sẽ gây đau nhức, khó chịu trong khoang miệng.
- Là chiếc răng mọc cuối cùng khi các răng khác đã sắp xếp đủ trên cung hàm nên răng khôn thường không đủ chỗ để trồi lên. Lúc này, răng khôn sẽ mọc lệch sang một bên, chèn vào chiếc răng liền kề hoặc mọc kẹt dưới nướu. Những trường hợp mọc sai lệch này đều có thể gây đau nhức răng khôn.
- Răng khôn mọc ở vị trí trong cùng trên cung hàm nên sẽ gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng. Lúc này thức ăn thừa còn sót lại không được làm sạch kỹ lưỡng sẽ sản sinh vi khuẩn, tấn công răng khôn gây các bệnh răng miệng như viêm nướu, nhiễm trùng, áp xe, u nang… kèm theo đau nhức răng khôn.
2. Các cách giảm đau khi mọc răng khôn hiệu quả ngay tại nhà
Dù là nguyên nhân nào, cơn đau răng khôn sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và tâm lý của bạn. Đau răng khôn nên làm gì? Khi cảm nhận được răng khôn đang mọc và gây đau nhức khó chịu, bạn nên đến nha khoa để bác sĩ kiểm tra và xem xét hướng điều trị phù hợp.
Trong trường hợp bạn chưa thể đến bác sĩ ngay thì có thể áp dụng một số cách giảm đau khi mọc răng khôn tại nhà như:
- Uống thuốc giảm đau
Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol hay Ibuprofen. Các loại thuốc này ngoài công dụng giảm đau còn có thể làm thuyên giảm tình trạng viêm nướu liên quan đến sự phát triển của răng khôn. Tuy có thể giúp cắt giảm cơn đau nhưng bạn cũng lưu ý không nên quá lạm dụng thuốc. Hơn nữa để tránh tác dụng phụ không mong muốn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kê đơn phù hợp.
- Sử dụng gel gây tê răng
Có một loại gel nha khoa có tác dụng gây tê, giúp giảm ê buốt răng hoặc nướu với thành phần chính là hoạt chất Benzocaine. Hầu hết các sản phẩm gel gây tê răng có thể bôi trực tiếp vào khu vực nướu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bạn nên xem kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng đúng cách. Hơn nữa, nếu cơ địa dị ứng với Benzocaine thì không nên dùng hoặc trong quá trình sử dụng xuất hiện hiện tượng “lạ” thì nên ngừng ngay và đến bác sĩ để kiểm tra.
- Chườm đá lạnh
Đá lạnh có tác dụng gây tê tạm thời. Bạn có thể sử dụng túi chườm đá đặt lên khu vực đau răng để giảm đau tạm thời. Nếu không có túi chườm, có thể sử dụng 1 chiếc khăn sạch bọc bên ngoài những viên đá và chườm lên vị trí mọc răng khôn để làm xoa dịu cơn đau.
- Súc miệng với nước muối
Nước muối có khả năng kháng khuẩn tốt. Việc thường xuyên súc miệng bằng nước muối có thể hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng.
Răng khôn đau nhức nguyên nhân đôi khi là do vi khuẩn tích tụ trong phần nướu bị nứt quanh răng. Súc miệng bằng nước muối có thể giúp khử trùng khu vực này, nhờ đó giảm bớt sự khó chịu.
Bạn có thể sử dụng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước muối tự pha với số lượng 2 – 3 lần/ ngày, sau khi ăn hoặc trước khi đi ngủ.
- Nhai hành tây
Có nghiên cứu cho thấy hành tây có đặc tính kháng viêm và sát khuẩn tốt nên có thể mang lại lợi ích đáng kể cho việc giảm sưng và chống nhiễm trùng. Vậy nên, bạn có thể sử dụng hành tây như một cách giảm đau răng khôn tự nhiên.
Thực hiện bằng cách nhai hành tây ở khu vực đau răng khôn trong vài phút để các hoạt chất chống viêm và kháng khuẩn trực tiếp đi vào nướu. Khi cảm thấy cơn đau có dấu hiệu thuyên giảm, bạn hãy nhổ bỏ miếng hành ra.
- Sử dụng trà và túi trà
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt chất Tanin có trong trà có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm tốt. Do đó, bạn có thể sử dụng trà để giảm đau răng khôn khó chịu.
Đầu tiên, bạn pha một ấm trà hoặc 1 tách trà túi lọc. Sau đó sử dụng túi trà còn ấm đặt vào bên miệng đang bị đau răng.
Bạn có thể thưởng thức nước trà nhưng lưu ý nên uống trà nguyên chất, không pha thêm sữa, kem, đường hay đá vào nhé.
Đau răng khôn có thể gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, sức khoẻ và công việc của bạn. Để giảm bớt cơn đau nhức răng khôn cũng như ngăn ngừa viêm nhiễm, biến chứng phát triển, bạn có thể áp dụng một số cách làm giảm đau răng khôn tại nhà ở phía trên. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp tạm thời, không thể giảm đau vĩnh viễn, bạn vẫn nên đến trung tâm nha khoa uy tín kiểm tra để bác sĩ đưa giải pháp khắc phục phù hợp.
Đọc thêm bài viết khác: Mọc răng khôn nên và không nên ăn gì?