• Hotline: 0793 999 996
Follow us on:

Cách chữa viêm lợi trùm răng khôn

Mọc răng khôn là quá trình mà hầu hết chúng ta đều trải qua khi bước vào tuổi trưởng thành. Bên cạnh cơn đau nhức khi răng khôn mọc, chúng ta còn phải chịu đựng thêm nhiều bệnh lý răng miệng đi kèm. Trong đó có bệnh viêm lợi trùm răng khôn. 

1. Viêm lợi trùm răng khôn là gì?

Viêm lợi trùm là một dạng bệnh lý răng miệng, xuất hiện khi mọc răng khôn. Đây là tình trạng phần lợi phía trong bao phủ lên bề mặt răng khiến chúng bị mắc kẹt lại không thể trồi lên hết. 

Chúng ta chỉ phát hiện tình trạng này khi lợi trùm bị răng khôn mọc đẩy lên, xuất hiện túi sâu khiến thức ăn bị nhồi nhét, không thể vệ sinh được nên gây đau nhức, khó chịu, hôi miệng… 

Viêm lợi trùm là một bệnh lý răng miệng, xuất hiện khi mọc răng khôn

2. Dấu hiệu nhận biết viêm lợi trùm răng khôn

Khi xuất hiện 4 dấu hiệu dưới đây, bạn nên đến nha khoa cho bác sĩ kiểm tra tình trạng răng miệng của bản thân:

  • Phần lợi ở vị trí mọc răng khôn sưng to, trùm lên và che lấp một phần hoặc cả bề mặt răng khôn.
Một số dấu hiệu nhận biết viêm lợi trùm răng khôn
  • Vùng lợi răng khôn có hiện tượng tấy đỏ, xuất hiện mủ kèm theo. Khi vô tình chạm vào trong lúc vệ sinh răng miệng có thể làm chảy máu.
  • Bệnh nhân cảm thấy đau nhức răng kèm xuất hiện cơn sốt cao bất thường kéo dài đến vài ngày.
  • Vùng má ở vị trí mọc răng khôn bị sưng to khiến việc ăn nhai gặp khó khăn và luôn cảm thấy đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. 

3. Tại sao răng khôn bị viêm lợi trùm?

Răng khôn là chiếc răng mọc khi chúng ta bước vào độ tuổi trưởng thành, khoảng độ 18 – 25 tuổi hoặc có khi muộn hơn. Trong một số trường hợp, khi mọc răng khôn có thể xuất hiện tình trạng viêm lợi trùm hay còn gọi là sưng mộng răng số 8 gây đau nhức, khó chịu. Nguyên nhân dẫn đến răng khôn lợi trùm là do: 

  • Vì là chiếc răng mọc lên cuối cùng và nằm ở vị trí sâu nhất trên cung hàm nên việc vệ sinh răng miệng không được đảm bảo. Hậu quả là thức ăn bị giắt lại, tạo điều kiện thuận cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Dẫn đến phần lợi ở vị trí răng khôn sưng đỏ lên, che phủ răng khôn. 
Răng khôn là chiếc răng mọc cuối cùng nên thường mang đến nhiều tác hại nghiêm trọng
  • Răng khôn mọc khi xương hàm đã ngừng tăng trưởng, các răng khác đã có chỗ đứng vững chắc nên không còn nhiều khoảng trống để mọc hoàn chỉnh. Hơn nữa, phần nướu lúc này cũng rất vững chắc nên răng khôn khó đâm xuyên nướu hoàn toàn để mọc lên nên có thể sẽ mọc 1 nửa, nửa còn lại kẹt dưới nướu gây hiện tượng lợi trùm răng khôn.
  • Răng khôn khi mọc lệch thường có 1 phần nhỏ thân răng nhô lên trên, còn chân răng thì đâm ngang sang răng số 7. Vậy nên, phần nướu bị xuyên qua sẽ dần bao trùm lên thân răng nhô lên, gây viêm, sưng tấy. 

4. Cách chữa viêm lợi trùm răng khôn

Không phải lúc nào mọc răng khôn cũng xuất hiện tình trạng lợi trùm. Thế nhưng, nếu như gặp tình trạng này, bạn nên tìm cách điều trị viêm lợi trùm răng khôn phù hợp để tránh ảnh hưởng sức khỏe. 

  • Sử dụng thuốc kháng sinh

Trong một số trường hợp răng khôn bị viêm lợi trùm ở mức độ chưa quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành sát trùng ổ viêm và kê đơn kháng sinh cho bệnh nhân. 

Bạn sẽ sử dụng thuốc kháng sinh trong khoảng 5 – 7 ngày. Sau quãng thời gian đó, phần lợi trùm sẽ trở về bình thường. Lưu ý là không tự ý ngưng thuốc hoặc thay bằng thuốc khác mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể xuất hiện hiện tượng kháng thuốc, ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Ngoài ra, nếu có vấn đề về sức khỏe bạn nên thông báo với bác sĩ để bác sĩ tìm loại thuốc phù hợp, không ảnh hưởng sức khoẻ. 

Việc sử dụng thuốc kháng sinh chỉ là giải pháp chữa viêm tạm thời, không điều trị dứt điểm. Viêm lợi trùm vẫn có thể tái lại mỗi khi răng khôn nhú lên tiếp. 

Thuốc kháng sinh chỉ là giải pháp tạm thời, không điều trị dứt điểm
  • Cắt lợi trùm răng khôn

Cắt lợi trùm răng khôn là một tiểu phẫu nhỏ trong nha khoa dùng để loại bỏ phần lợi mọc trùm răng khôn gây viêm. Tuy nhiên, cách điều trị này chỉ áp dụng khi răng khôn mọc thẳng, đúng vị trí, không ảnh hưởng các răng kế cận và phần lợi chỉ trùm lên khiến răng không thể mọc lên được. Sau khi cắt lợi trùm, không gian sẽ được mở rộng để răng khôn tiếp tục mọc lên một cách tốt nhất. 

Thực hiện: Bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh khoang miệng rồi sau đó gây tê phần lợi cần loại bỏ. Tiếp theo, sử dụng Laser để cắt mặt trong, mặt ngoài và phần gốc lợi trùm. Sau 1 – 2 tuần cắt lợi trùm, phần lợi sẽ bình phục hoàn toàn. 

Phương pháp này được đánh giá an toàn, không gây biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. 

  • Nhổ răng khôn

Với trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc kẹt, phần nướu phủ một phần răng khôn hoặc toàn bộ thì cách tốt nhất nên nhổ răng khôn. Bởi răng khôn khi mọc lệch không chỉ xô lệch hàm, ảnh hưởng thẩm mỹ mà nếu nó bị viêm còn có thể lây viêm nhiễm cho những răng còn lại. 

Việc loại bỏ răng khôn vừa giúp chấm dứt tình trạng viêm lợi trùm, vừa bảo vệ sức khỏe răng miệng. 

Nhổ răng khôn vừa giúp chấm dứt tình trạng viêm lợi trùm, vừa bảo vệ sức khỏe răng miệng

Tuy nhiên, kỹ thuật nhổ răng phức tạp hơn so với cắt lợi trùm, đòi hỏi nhiều yếu tố, đặc biệt là tay nghề bác sĩ. Bởi ca nhổ răng khôn nếu không cẩn thận có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Vì vậy, bạn nên tìm đến địa chỉ nha khoa uy tín, có bác sĩ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm để tránh những sai sót, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Vừa rồi là một số thông tin về viêm lợi trùm răng khôn và cách chữa viêm lợi trùm mà Westway muốn đề cập đến với các bạn. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về bệnh lý lợi trùm răng khôn để nếu không may gặp phải trường hợp này sẽ có cách giải quyết phù hợp. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về tình trạng răng miệng của mình, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp sớm nhất nhé!

Đọc thêm bài viết khác: Mọc răng khôn bị sốt và cách khắc phục

BÀI VIẾT MỚI

DANH MỤC

DANH MỤC

BÀI VIẾT ĐỌC NHIỀU