Răng khôn không đóng vai trò trong chức năng ăn nhai cũng như thẩm mỹ. Hơn nữa khi mọc còn gây đau đớn, xô lệch hàm. Thế nhưng, hầu như chúng ta đều phải trải qua quá trình mọc răng khôn. Vậy răng khôn có tác dụng gì? Và tại sao lại mọc răng khôn?
1. Răng khôn là gì?
Răng khôn hay còn gọi răng số 8, là loại răng mọc lên cuối cùng trên cung hàm. Do mọc cuối khi các răng khác đã có chỗ đứng vững chắc nên răng khôn thường có xu hướng mọc ngầm dưới nướu, mọc chen chúc hoặc đâm ngang với răng khác.
Thời điểm mọc răng khôn thường là vào độ tuổi trưởng thành, khoảng 17 – 25 tuổi. Có thể mọc sớm hơn hoặc muộn hơn, tuỳ vào cơ địa của mỗi người.
Cũng như những răng khác, răng khôn cũng gồm 4 cái, 2 cái ở trên và 2 cái ở dưới. Tuy nhiên, số lượng mọc răng khôn ở mỗi người là khác nhau, có người mọc 1 răng, 2 răng, 3 răng, 4 răng hoặc thậm chí không có cái nào.
2. Tác dụng của răng khôn là gì?
Thực chất, răng khôn chỉ xuất hiện khi con người bước vào tuổi trưởng thành. Do mọc lên muộn khi xương hàm đã ngừng phát triển nên răng khôn thường không có chỗ để nhú lên như những răng khác nên có thể sẽ mọc ngầm, mọc lệch gây đau đớn, khó chịu.
Răng khôn có tác dụng gì không? Răng khôn đã tồn tại hàng ngàn thiên niên kỷ. Tổ tiên cổ đại của chúng ta sử dụng răng khôn như những răng hàm khác để nghiền nát thức ăn trước khi họ biết đến nấu nướng.
Tại sao mọc răng khôn? Đó là bởi vì ở thời điểm đó, con người vẫn còn trong giai đoạn ăn thịt sống và nhiều rau củ cứng, khó nhai nên răng khôn đóng vai trò quan trọng như các nhóm răng khác.
Răng khôn dần trở nên dư thừa cho đến khi con người bắt đầu biết tiếp xúc với những thức ăn mềm hơn do được nấu chín. Thức ăn mềm hơn dẫn đến hàm không còn phải hoạt động nhiều nữa nên sẽ dần thu nhỏ lại.
Tuy nhiên, dù khuôn hàm trở nên gọn hơn nhưng số lượng răng mọc lên vẫn không thay đổi nên sẽ không đủ chỗ để chứa tất cả răng. Lúc này, răng khôn do là những răng mọc cuối cùng trên cung hàm nên thay vì mọc thẳng chúng bị mắc kẹt nên sẽ đâm ngang, mọc ngầm, mọc ngược dưới nướu hoặc xương hàm.
Chính bởi cách mọc lên dị biệt nên hiện tại vẫn chưa xác định rõ được vai trò chính xác của răng khôn trên cung hàm ngày nay. Một số người nói rằng răng khôn nếu mọc thẳng có thể góp phần tăng khả năng ăn nhai; đồng thời nó còn có thể thay thế cho vị trí của răng hàm số 6 hoặc số 7 khi bị mất đi vì nguyên nhân nào đó.
Tuy nhiên, lợi ích của răng khôn ngày nay ít hơn so với tác hại mà nó mang lại. Không chỉ gây đau đớn, khó chịu khi xuất hiện mà còn gây hàng loạt biến chứng nguy hiểm như viêm nhiễm, xô lệch hàm… Do đó, hầu hết răng khôn thường bị nhổ bỏ dù sớm hay muộn.
3. Tần suất mọi người mọc răng khôn
Răng là một bộ phận quan trọng của cơ thể người, đảm nhận chức năng cắn xé và nghiền nát thức ăn. Những chiếc răng đầu tiên xuất hiện là răng sữa, mọc tầm 20 cái. Sau đó, rụng dần để nhường chỗ cho 32 chiếc răng vĩnh viễn mọc lên.
Bộ răng hàm đầu tiên thường xuất hiện khi chúng ta được 6 tuổi, còn bộ thứ hai sẽ vào khoảng 12 tuổi. Răng khôn bắt đầu xuất hiện khi chúng ta bước vào độ tuổi từ 17 tuổi trở lên, đánh dấu cho sự trưởng thành của một người.
Răng khôn không mọc một lúc hoặc liên tục 4 chiếc răng mà sẽ nhú lên từ từ từng cái một. Thời gian để 1 chiếc răng khôn trồi lên khỏi nướu có thể là vài tháng hoặc vài năm.
Trong một số trường hợp, đôi khi chúng ta không thể nhìn thấy được chúng bằng mắt thường mà phải qua các thiết bị nha khoa như máy X-quang. Tuy nhiên, dù nhìn thấy hay không, răng khôn vẫn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe răng miệng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý người bệnh.
Do đó, nếu cảm thấy sự bất thường nào về hàm răng, cách tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, kiểm tra tình trạng răng miệng của mình. Từ đó đưa ra cách điều trị kịp thời, phù hợp, tránh để quá lâu tình hình trở nên phức tạp, khó chữa.
Như đã nói trên, phần lớn chúng ta đều sẽ trải qua quá trình mọc răng khôn, dù nhẹ nhàng hay đau đớn. Vậy, nếu đang mang thai mọc răng khôn có gây nguy hiểm gì không? Câu hỏi này được rất nhiều mẹ bầu quan tâm trong giai đoạn thai kỳ. Cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết Bà bầu mọc răng khôn có sao không? Cách giảm đau mọc răng khôn khi mang thai