Răng khôn là chủ để được nhiều người quan tâm. Vậy dấu hiệu nhận biết răng khôn mọc là gì? Răng khôn mọc khi nào? Cách xử lý ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu những vấn đề xoay quanh răng khôn qua bài viết sau nhé!
1. Răng khôn mọc khi nào?
Trên cung hàm của người trưởng thành thường có 32 chiếc răng, gồm 8 răng cửa, 4 răng nanh, 8 răng hàm nhỏ và 12 răng hàm lớn. Những răng này thường mọc trước khi 16 tuổi.
Còn 4 răng nằm trong cùng trên cung hàm mọc sau cùng được gọi là răng số 8, mọc ở độ tuổi trưởng thành, từ khoảng 16 đến 30 tuổi, cũng có thể mọc muộn hơn. Răng này còn có tên gọi khác là răng khôn, quá trình mọc thường diễn ra trong một thời gian dài, có thể là vài tháng, cũng có trường hợp kéo dài đến vài năm.
2. Răng khôn thường mọc ở đâu?
Răng khôn là răng hàm lớn thứ ba (còn gọi là răng số 8 hoặc răng cối lớn thứ ba)
Trong 32 chiếc răng, có 4 chiếc là răng khôn, 2 cái ở hàm trên và 2 cái ở hàm dưới. Chúng chính là những chiếc răng mọc sau cùng của hàm răng, bên cạnh răng hàm lớn số 7.
Vị trí mọc và kiểu mọc răng khôn cũng khác nhau, gồm những trường hợp:
- Khi đã quá độ tuổi trưởng thành mà vẫn không có dấu hiệu mọc răng khôn thì có thể răng khôn sẽ không mọc.
- Răng khôn mọc thẳng, không xâm lấn các răng bên cạnh. Quá trình răng mọc có thể sốt, đau nhức, sưng lợi… Khi răng mọc hoàn thiện thì các triệu chứng trên cũng hết, quá trình ăn nhai trở lại bình thường.
- Trường hợp phổ biến hay gặp nhất là răng khôn mọc lệch, mọc ngầm. Quá trình mọc sẽ gây những cơn đau dữ dội, nướu sưng đỏ, có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe.
3. Có nên nhổ răng khôn không?
Có nên nhổ răng khôn hay không? cũng là băn khoăn chung của rất nhiều người. Câu trả lời là: không phải tất cả các trường hợp mọc răng khôn đều phải nhổ răng. Bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể sau khi thăm khám và kiểm tra tình trạng mọc răng khôn của bạn.
Trường hợp cần phải nhổ răng khôn:
- Những răng khôn mọc lệch sẽ làm xuất hiện các cơn đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, gây u nang và ảnh hưởng đến những răng lân cận.
- Răng khôn mọc thẳng nhưng không có răng đối diện, khiến cho răng khôn bị trồi dài xuống hàm đối diện, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.
- Răng khôn có hình dạng bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh khiến nó dễ bị sâu răng hay viêm nha chu răng cũng cần nhổ bỏ.
- Nhổ răng khôn để làm răng giả hoặc chỉnh răng
- Răng khôn là nguyên nhân gây ra một số bệnh toàn thân khác.
Trường hợp không cần nhổ răng khôn:
- Răng khôn mọc thẳng, bình thường trên cung hàm, không gây biến chứng, không bị kẹt bởi mô xương và nướu.
- Người có bệnh lý toàn thân không được kiểm soát tốt như: tiểu đường, tim mạch, rối loạn đông máu…
- Răng khôn liên quan đến cấu trúc giải phẫu quan trọng như: dây thần kinh, xoang hàm …
Những người phải nhổ răng khôn cần làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang trước khi nhổ. Đồng thời cung cấp thông tin về sức khỏe cá nhân như: bệnh lý, các thuốc đang sử dụng để bác sĩ nhổ răng biết và thực hiện phẫu thuật chuyên biệt.
Để biết trường hợp răng khôn của mình có cần nhổ hay không? cần có sự thăm khám và tư vấn cụ thể từ bác sĩ. Đây là thủ thuật nha khoa đòi hỏi bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm, tay nghề, chuyên môn giỏi, trang thiết bị hiện đại. Vì thế, bạn hãy chọn cho mình một bệnh viện hoặc nha khoa uy tín để được nhổ răng an toàn, tránh những biến chứng nguy hiểm nhé!
Để biết có phải mình đang mọc răng khôn hay không? bạn có thể tham khảo bài viết: 6 dấu hiệu mọc răng khôn dễ nhận biết nhất