Nỗi khổ mọc răng khôn hầu hết ai cũng phải trải qua. Vậy, mọc răng khôn nên và không nên làm gì để giảm đau nhức, khó chịu là vấn đề được rất nhiều người quan tâm hiện nay. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời nhé!
1. Mọc răng khôn là gì?
Cung hàm của 1 người trưởng thành có tổng cộng 32 chiếc răng, gồm 8 răng cửa, 4 răng nanh, 8 răng hàm trước, 8 răng hàm sau và 4 răng khôn. Trong đó, răng khôn là những chiếc răng mọc cuối cùng khi chúng ta bước vào độ tuổi trưởng thành, từ 18 – 25 tuổi hoặc có thể trễ hơn.
Răng khôn mọc không như những chiếc răng khác, thời gian nhú lên có thể kéo dài trong vài tháng hoặc vài năm. Và không phải trường hợp nào cũng mọc đủ 4 chiếc răng khôn. Có người mọc 1 răng, 2 răng, 3 răng, 4 răng hoặc không mọc chiếc nào.
2. Một số triệu chứng mọc răng khôn
Quá trình răng khôn mọc ở mỗi người là khác nhau. Do đó, triệu chứng mọc răng khôn cũng khác biệt. Dưới đây là một số dấu hiệu mọc răng khôn thường gặp nhất mà bạn có thể tham khảo:
2.1. Đau nhức
Đau nhức răng là triệu chứng mọc răng khôn thường gặp nhất, khiến người bệnh luôn cảm thấy khó chịu, ăn uống không ngon miệng, thậm chí còn bị mất ngủ. Dù mọc thẳng, mọc ngầm hay mọc lệch đều xuất hiện dấu hiệu này.
2.2. Sưng nướu
Xương hàm ở độ tuổi trưởng thành đã cứng chắc và không còn phát triển về kích thước nữa nên khi răng khôn mọc, nướu bị giãn ra đột ngột khiến cả bề mặt và vùng nướu quanh chân răng bị sưng lên. Có thể cảm nhận triệu chứng này bằng mắt hoặc dùng lưỡi rà soát.
2.3. Cử động hàm nặng nề, khó khăn
Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ có cảm giác hàm trở nên nặng nề, gặp khó khăn trong việc cử động cơ miệng để nói cười hoặc ăn nhai.
2.4. Bị sốt, nhức đầu
Hiện tượng sốt nhẹ, đau đầu có thể xảy ra khi mọc răng khôn. Nguyên nhân là do khi răng khôn nhú lên đã phá vỡ màn chắn của lớp niêm mạc trong khoang miệng, tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công gây viêm. Cùng lúc đó, hệ miễn dịch của cơ thể đã phản ứng với tình trạng viêm nên dẫn đến tình trạng sốt kèm đau nhức răng.
2.5. Lười ăn, chán ăn
Răng khôn mọc còn gây hiện tượng chán ăn, ăn không ngon. Nguyên nhân một phần là do cơ hàm khó cử động khi mọc răng khôn nên gặp khó khăn trong việc ăn uống. Phần khác là do thức ăn nếu vô tình chạm đến phần lợi bị viêm sưng gây cảm giác đau đớn, bệnh nhân không thể nhai như bình thường nên không còn hứng thú với việc ăn uống.
2.6. Hơi thở có mùi hôi
Răng khôn mọc làm tổn thương vùng nướu khiến nướu bị sưng và gây đau. Lúc này, việc vệ sinh gặp nhiều khó khăn. Không thể chải răng kỹ như bình thường vì sợ va chạm phần lợi sưng khiến vi khuẩn bắt đầu phát triển, dẫn đến tình trạng hơi thở có mùi hôi khó chịu.
3. Làm gì khi mọc răng khôn?
Mọc răng khôn phải làm sao? Răng khôn mọc không chỉ gây đau nhức, khó chịu kéo dài mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, khi có dấu hiệu mọc răng khôn cần:
3.1. Gặp nha sĩ
Nhìn bằng mắt thường khó có thể biết được rằng bạn có đang mọc răng khôn hay không. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu trên, bạn nên tới trực tiếp nha khoa để bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ hơn.
Nếu bạn mọc răng khôn bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang để xem hướng mọc răng khôn: mọc thẳng, mọc lệch hay mọc ngược… để có chỉ định điều trị phù hợp. Trong trường hợp, răng khôn mọc lệch, mọc ngầm kèm viêm nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng khôn để chấm dứt cảm giác đau nhức và tránh ảnh hưởng tới các răng khác.
3.2. Vệ sinh răng miệng tốt hơn
Khi răng khôn mọc bạn cần vệ sinh răng miệng kỹ hơn, sử dụng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch mảng bám và thức ăn thừa để tránh vi khuẩn tích tụ gây bệnh.
3.3. Có chế độ ăn uống phù hợp
Bạn nên có chế độ ăn uống hợp lý khi mọc răng khôn. Hạn chế thức ăn quá cứng hoặc quá dai để tránh dùng lực nhiều ở khu vực răng vì có thể khiến cơn đau dữ dội hơn. Tránh các món ăn nhiều đường vì dễ tích tụ mảng bám và gây khó khăn cho việc vệ sinh khiến sản sinh vi khuẩn gây viêm nhiễm.
4. Những điều cần tránh khi mọc răng khôn
Để giảm đau nhức khi mọc răng khôn, bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
4.1. Hạn chế chạm vào vùng răng khôn
Trong thời gian răng khôn mọc tuyệt đối không được tác động mạnh vào khu vực này như chải răng quá mạnh, sử dụng tăm xỉa răng, dùng tay chạm vào… bởi rất dễ làm chảy máu răng khôn, tăng nguy cơ viêm nhiễm.
4.2. Tránh sử dụng các chất kích thích
Vùng nướu mọc răng khôn thường bị sưng to, tấy đỏ hoặc thậm chí viêm nhiễm. Do đó, không nên sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia… để tránh nguy cơ mắc các biến chứng răng miệng nguy hiểm.
4.3. Tránh dùng các thực phẩm làm tăng nguy cơ sưng viêm
Các thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt… nên hạn chế sử dụng bởi chúng dễ đọng lại trong khoang miệng. Nếu không vệ sinh kỹ sẽ tạo điều kiện vi khuẩn sản sinh, tích tụ gây viêm nhiễm.
Nên tránh ăn các thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh bởi chúng khiến cơn đau răng khôn ngày càng nặng hơn.
Các món ăn quá cứng hoặc quá dai cũng nên loại bỏ khỏi thực đơn để tránh làm tổn thương vùng nướu mọc răng khôn do lực nhai tác động mạnh.
Răng khôn là chiếc răng dư thừa và gây nhiều phiền toái cho sức khoẻ người bệnh. Tuy nhiên, quá trình mọc răng khôn hầu hết ai cũng phải trải qua. Việc biết nên và không nên làm gì khi mọc răng khôn là vô cùng cần thiết. Thực hiện tốt những điều trên sẽ giúp giảm bớt phần nào cơn đau răng khôn cũng như hạn chế các biến chứng nguy hiểm do răng khôn gây ra.
Đọc thêm: Răng khôn mọc trong bao lâu thì xong?