Hôi miệng là một trong những triệu chứng mọc răng khôn. Tình trạng này tạo cảm giác kém tự tin, ngại giao tiếp cho người bệnh. Mọc răng khôn bị hôi miệng là do đâu? Cách khắc phục như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ trả lời cho bạn.
1. Răng khôn là răng nào?
Răng khôn là răng hàm lớn số 8 nằm ở vị trí trong cùng trên hàm, bên cạnh răng số 7. Răng số 8 là răng mọc cuối cùng, chỉ xuất hiện khi ta bước vào tuổi trưởng thành 17 – 25 tuổi hoặc hơn.
Thời điểm răng khôn mọc lên, xương hàm đã hoàn thiện và các răng khác đã có vị trí vững vàng nên răng số 8 thường không đủ chỗ để trồi lên như bình thường. Vậy nên, chúng sẽ có xu hướng mọc ngầm, mọc lệch hoặc bị kẹt lại trong xương hàm gây ra nhiều biến chứng răng miệng, ảnh hưởng sức khoẻ tổng thể. Trong đó có tình trạng mọc răng khôn gây hôi miệng khiến nhiều người cảm thấy mất tự tin trong giao tiếp.
2. Nguyên nhân dẫn đến mọc răng khôn bị hôi miệng
Mọc răng khôn gây hôi miệng nguyên nhân có thể là do:
- Sâu răng: Răng khôn mọc ở vị trí trong cùng nên khó vệ sinh hơn bình thường. Nếu không vệ sinh kỹ, vi khuẩn từ mảng bám sẽ sinh sôi và tấn công gây sâu răng, hôi miệng.
- Mùi thức ăn phân huỷ: Vùng nướu ở khu vực răng khôn thường bị sưng và đau nhức do răng khôn mọc kẹt, mọc ngầm nên nhiều người sợ đụng chạm vào vị trí này vì lo sợ cơn đau dữ dội hơn. Khi đó, nếu thức ăn bị mắc kẹt lại và không được làm sạch lâu ngày sẽ bị phân hủy Protein bởi vi khuẩn, gây ra mùi hôi khó chịu.
- Nhiễm trùng: Răng khôn mọc khi nướu đã ngừng tăng trưởng nên khi trồi lên sẽ gây nứt lớp nướu phía trên khiến vùng nướu trở nên nhạy cảm, dễ bị vi khuẩn tấn công, làm nhiễm trùng và gây mùi hôi.
3. Cách khắc phục tình trạng hôi miệng khi mọc răng khôn
Quá trình răng khôn mọc nếu không chăm sóc, vệ sinh kỹ lưỡng sẽ rất dễ gây tình trạng hôi miệng, tạo tâm lý ngại giao tiếp cho người bệnh. Do đó, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này cũng như những biến chứng mọc răng khôn khác, ngay từ khi có dấu hiệu mọc răng khôn bạn nên lưu ý:
- Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng 2-3 lần/ ngày sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ
- Chải răng bằng bàn chải lông mềm, chải nhẹ nhàng theo chiều dọc, tránh chải ngang làm tổn thương nướu
- Súc miệng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày để vệ sinh và kháng khuẩn khoang miệng
- Dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn, hạn chế dùng lực mạnh gây tổn thương nướu
- Hạn chế ăn uống những thực phẩm quá cay nóng hoặc quá cứng
- Hạn chế hút thuốc lá hoặc uống rượu bia, cà phê thường xuyên trong quá trình mọc răng khôn
- Dùng thuốc kháng viêm, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ nếu răng khôn gây đau nhức dữ dội
- Với trường hợp, răng khôn mọc ngầm, mọc lệch bị viêm nhiễm nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến răng kế cận thì bạn nên cân nhắc nhổ bỏ răng khôn theo chỉ định của bác sĩ để bảo vệ sức khoẻ toàn diện.
Mọc răng khôn bị hôi miệng thường khá phổ biến, nhất là với trường hợp răng mọc ngầm, mọc kẹt, mọc lệch… Bạn có thể loại bỏ tình trạng này bằng cách vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng và cẩn thận hơn. Nếu triệu chứng hôi miệng vẫn kéo dài kèm theo một số biểu hiện khác như chảy máu nướu, đau nhức răng liên tục… thì cách tốt nhất bạn nên đến cơ sở nha khoa uy tín để bác sĩ trực tiếp thăm khám, kiểm tra và đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp. Không nên để lâu sẽ kéo theo những biến chứng nguy hiểm khác cho sức khỏe.
Đọc thêm bài viết khác: Các loại thuốc giảm đau răng khôn hiệu quả