Răng khôn là chiếc răng mọc cuối cùng ở độ tuổi trưởng thành. Nếu răng khôn mọc thẳng thì bạn sẽ thấy nhẹ nhàng, nhưng cũng có những trường hợp răng khôn gây đau nhức, khó chịu do mọc lệch, mọc ngầm. Đối với những chiếc răng mọc lệch, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ để tránh những biến chứng gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn và đặt câu hỏi: Răng khôn mọc lệch không nhổ có sao không? Bạn hãy đọc thêm bài viết dưới đây để tìm cho mình câu trả lời nhé!
1. Dấu hiệu nhận biết răng khôn mọc lệch
Răng khôn không giống những chiếc răng khác trên cung hàm, răng khôn mọc sau cùng, từ 17 tuổi trở lên khi xương hàm đã phát triển hoàn thiện, hàm trở nên cứng chắc khiến răng khó mọc lên nên sẽ có biểu hiện mọc lệch, mọc ngầm, đâm vào răng bên cạnh.
Để nhận biết răng khôn mọc lệch, bạn có thể dựa trên những dấu hiệu sau đây:
- Có thể dễ nhận thấy nhất khi mọc răng khôn là cảm giác đau nhức ở vùng má nơi mọc răng khôn. Trường hợp răng mọc lệch còn kèm theo đau nhức chân răng bên cạnh. Răng khôn thường không mọc nhanh như các răng khác mà sẽ mọc gián đoạn, có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm mới mọc xong.
- Răng khôn mọc vào thời điểm nướu đã cứng chắc, khi răng nhú tại vị trí đó lợi sẽ giãn ra và sưng lên, cho đến khi răng mọc ổn định thì lợi mới trở lại bình thường.
- Trong thời gian răng khôn mọc sẽ làm cho lợi bị sưng, hàm khó mở rộng, cơ miệng khó có thể cử động linh hoạt như bình thường.
- Ngoài ra, bạn cũng sẽ cảm nhận được hơi thở của mình có mùi hôi khó chịu khi răng khôn mọc lên. Nguyên nhân là do thức ăn bị bám ở chân răng sau ăn nhai mà không được làm sạch kỹ lưỡng khiến lợi bị viêm, sưng đỏ hoặc chảy máu, từ đó tạo mùi hôi cho hơi thở.
- Khi răng khôn sắp nhú cũng làm nhiệt độ cơ thể tăng, khiến bạn lên cơn sốt kèm theo cảm giác đau đầu.
- Khi phải chịu đựng liên tục các cơn đau nhức cộng với quá trình ăn uống gặp khó khăn vì vô tình làm thức ăn chạm vào phần lợi mọc răng khôn, gây đau, khó chịu, ăn uống không ngon miệng sẽ khiến cơ thể bạn mệt mỏi, áp lực.
2. Vì sao nên nhổ răng khôn mọc lệch? Không nhổ răng khôn mọc lệch có sao không?
Những trường hợp răng khôn mọc lệch chiếm tỷ lệ nhiều hơn mọc thẳng vì xương hàm ít phát triển về kích thước. Ở tuổi trưởng thành, xương trở nên cứng hơn, mô mềm, niêm mạc phủ bên trên dày và chắc hơn. Theo nhiều nghiên cứu, răng khôn hàm dưới có tỉ lệ mọc lệch và mọc ngầm cao hơn xương hàm trên.
Một số hậu quả có thể xảy ra khi răng khôn mọc lệch:
- Răng khôn mọc lệch làm xuất hiện triệu chứng sưng nướu, đau buốt, cứng hàm (không thể mở miệng to) ảnh hưởng đến quá trình an nhai, dẫn đến tình trạng chán ăn.
- Răng khôn mọc lệch dễ gây viêm nướu trùm vì khó vệ sinh sau khi ăn. Lúc này, vụn thức ăn bị giắt vào túi lợi, gây viêm túi lợi có mủ, tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
- Sâu răng cũng là một biến chứng khi răng khôn mọc lệch, thức ăn bị sót lại khiến vi khuẩn tích tụ gây sâu răng. Khi mọc lệch và bị sâu, thân răng khôn sẽ nghiêng vào răng kế bên (răng số 7) làm chiếc răng số 7 bị sâu theo.
- Những biến chứng của răng khôn nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiễm trùng và lây lan sang khu vực xung quanh như: má, mang tai, mắt, cổ…
Răng khôn mọc lệch sẽ gây những biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe răng miệng và tinh thần bệnh nhân. Do đó, các bác sĩ chuyên gia nha khoa khuyên bạn nên nhổ răng khôn mọc lệch nếu không sẽ gây hậu quả như:
- Với những người có kích thước khuôn miệng và cung hàm nhỏ, không đủ chỗ cho răng số 8 mọc đúng vị trí. Các răng sẽ bắt đầu dịch chuyển chồng lên nhau, khiến răng bị xê dịch và các răng chen chúc nhau trên cung hàm vừa làm mất thẩm mỹ vừa ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Khi răng khôn mọc lệch bị kẹt bên dưới đường viền nướu sẽ gây ra những cơn đau rất khó chịu, có thể dễ bị áp xe và nhiễm trùng.
- Trong quá trình mọc răng răng khôn, nếu không được theo dõi đúng cách, không phát hiện tình trạng răng lệch lạc. Trường hợp nặng, răng dịch chuyển song song với cung hàm hoặc dịch chuyển về phía sau và cuối cùng sẽ gây trở ngại cho việc đóng mở hàm của bạn.
3. Quy trình nhổ răng khôn mọc lệch như thế nào?
Thời gian nhổ răng khôn kéo dài khoảng 20 đến 30 phút, có thể nhanh hoặc lâu hơn, tùy vào vị trí, hướng mọc và mức độ phức tạp của răng khôn. Quy trình nhổ răng khôn gồm các bước cơ bản sau:
Bước 1: Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được súc miệng bằng dung dịch khử trùng chuyên dụng để sát khuẩn vùng phẫu thuật.
Bước 2: Bác sĩ tiến hành gây tê tại vị trí cần nhổ răng nhằm giảm cảm giác đau, mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân trong quá trình nhổ răng.
Thuốc tê sẽ hết tác dụng sau 2h đến 3 giờ. Lúc này, răng đã được nhổ xong, bệnh nhân chỉ cảm thấy hơi khó chịu một chút ở vị trí vừa nhổ răng.
Bước 3: Bác sĩ sẽ tách hoặc rạch nướu (nếu cần) để lộ phần răng, dùng bẩy và kìm để lấy răng ra khỏi ổ răng,
Trường hợp răng khôn mọc quá phức tạp, bác sĩ sẽ dùng máy khoan nha khoa để cắt răng thành nhiều phần và lấy răng ra, hạn chế tác động đến xương hàm và các răng kế cận
Bước 4: Khâu đường rạch nướu nếu phải tiểu phẫu, sau đó đặt gạc vô trùng
Bước 5: Hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc sau phẫu thuật, kê đơn thuốc và hẹn lịch tái khám
Thời gian phục hồi sau khi nhổ răng khôn khoảng 5 đến 7 ngày, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của mỗi người . Bạn nên thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ để đẩy nhanh quá trình khôi phục chức năng răng hàm và có thể ăn nhai bình thường.
Quy trình nhổ răng khôn số 8 mọc lệch khá phức tạp, đòi hỏi Bác sĩ phải có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, bạn hãy đến nhổ răng tại các bệnh viện, nha khoa uy tín, chất lượng để quy trình nhổ răng diễn ra thuận lợi, an toàn cũng như hạn chế các biến chứng xảy ra trong quá trình thực hiện nhé!
Để tìm hiểu thêm về cách xử lý răng khôn, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm có nên nhổ không?