Hàm duy trì là 1 loại khí cụ được bác sĩ chỉ định cho người niềng răng sau khi tháo niềng để đảm bảo sự ổn định cho răng tại vị trí mới, tránh xô lệch. Tùy vào tình trạng răng của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn cho khách hàng niềng răng đeo các loại hàm duy trì phù hợp. Nếu đang muốn tìm hiểu về loại khí cụ này thì bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
1. Hàm duy trì tháo lắp là gì?
Khi các răng dịch chuyển về đúng vị trí và sắp xếp đồng đều trên cung hàm nghĩa là quá trình niềng răng đã kết thúc. Lúc này, để răng quen dần với vị trí mới, ổn định vững chắc, nướu và xương hàm thích nghi với sự đổi mới thì cần có khí cụ để giữ lại. Nếu không các răng sẽ nhanh chóng dịch chuyển về vị trí cũ hoặc chen chúc, xô đẩy nhau. Chính vì thế, sau khi kết thúc niềng răng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân đeo hàm duy trì tháo lắp để cố định chắc chắn răng nhằm giữ vững kết quả cho bệnh nhân.
Khí cụ duy trì này được thiết kế phù hợp và vừa khít với đặc điểm răng của từng người sau khi niềng răng. Đồng thời có thể tháo ra và lắp vào để vệ sinh và ăn uống hằng ngày.
2. Có mấy loại hàm duy trì tháo lắp
Hiện nay, có hai loại hàm duy trì tháo lắp phổ biến là hàm kim loại và hàm nhựa trong suốt.
-
Hàm duy trì tháo lắp kim loại
Là loại hàm được làm bằng kim loại, có thể dễ dàng tháo ra lắp vào, chỉ cần đeo vào ban đêm vì dây kim loại lộ ra ngoài mặt răng, khiến người đeo không thoải mái khi giao tiếp.
Hàm duy trì tháo lắp kim loại giúp giữ răng đúng vị trí nhờ sự chắc chắn của kết cấu hàm với dây kim loại, phù hợp với trường hợp niềng răng chỉnh nha phải nhổ răng.
-
Hàm duy trì tháo lắp trong suốt
Được làm từ nhựa trong suốt cao cấp, an toàn với sức khỏe, thiết kế dựa trên mẫu dấu hàm riêng của mỗi người sau khi kết thúc quá trình niềng răng.
Hàm duy trì tháo lắp bằng nhựa trong suốt có cấu tạo giống với khay niềng răng vô hình nhưng không sinh ra lực tác động để dịch chuyển răng như khay niềng mà chỉ duy trì và ổn định răng ở vị trí mới.
Để sử dụng hiệu quả cả hai loại hàm tháo lắp này, bạn cần duy trì thời gian đeo hàm trên 20 tiếng/ ngày. Sau mỗi lần tháo ra để vệ sinh hoặc ăn uống phải bảo quản và vệ sinh cẩn thận để hàm luôn sạch sẽ, tránh hư hỏng, mất mát.
3. Vì sao cần phải đeo hàm duy trì sau khi niềng răng?
Sau khi niềng răng, bạn cần đeo hàm duy trì thường xuyên vì trong quá trình chỉnh răng, răng và xương hàm phải trải qua tác động lớn để điều chỉnh nên sau khi niềng, các tổ chức quanh răng chưa chắc chắn, cố định, có xu hướng kéo răng về vị trí ban đầu .
Bên cạnh đó, mô nướu và mô nha chu vẫn cần thêm thời gian để tổ chức lại cấu trúc sau khi niềng răng. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng 1 loại khí cụ để giữ nguyên răng tại vị trí mới.
4. Cần đeo hàm duy trì tháo lắp trong bao lâu?
Sau khi niềng răng, thời gian đeo hàm duy trì nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào tình trạng răng của mỗi khách hàng. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn thời gian đeo hàm cụ thể sau khi thăm khám tình trạng răng của bạn.
Muốn rút ngắn thời gian đeo hàm duy trì, bạn cần thực hiện chế chăm sóc răng miệng, ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Bác sĩ sẽ yêu cầu người niềng răng đeo hàm duy trì cho đến khi xương hàm đã hoàn thiện. Răng, nướu, hàm, khớp cắn… đã ổn định. Cụ thể là:
- Trẻ em dưới 20 tuổi niềng răng, bác sĩ sẽ yêu cầu đeo hàm duy trì đến khi 20 tuổi.
- Nếu người trưởng thành niềng răng, tình trạng xương hàm và răng không được khỏe mạnh cần thời gian hồi phục thì cần đeo khoảng 6 đến 12 tháng.
- Trường hợp xương hàm và răng khỏe mạnh chỉ cần đeo hàm duy trì từ 1 đến 3 tháng.
Sau thời gian đeo hàm duy trì liên tục, bạn sẽ được giảm dần thời gian đeo. Lúc này, chỉ cần đeo 3 đến 4 ngày/tuần hoặc 8 giờ/ ngày, chỉ cần đeo khi ngủ.
Sau khi hàm đã ổn định, răng đã quen dần với khả năng ăn nhai thì sẽ kết thúc thời gian đeo hàm duy trì.
5. Hàm duy trì tháo lắp giá bao nhiêu?
Hiện nay, tại các nha khoa, hàm duy trì sau niềng răng sẽ được miễn phí vì nó nằm trong gói niềng răng của bạn đã thanh toán trước đó.
Trường hợp niềng răng ở nơi khác mà muốn làm hàm duy trì hoặc bị mất, chi phí làm lại sẽ khoảng 500 ngàn đến 2 triệu/ hàm, tùy vào bảng giá của Nha khoa.
Mỗi loại hàm duy trì tháo lắp sẽ có những ưu – nhược điểm riêng, tuỳ vào trường hợp răng của mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn giúp bạn loại hàm duy trì phù hợp. Để có một hàm răng đẹp bền lâu, bạn nên thực hiện nghiêm túc đeo hàm duy trì theo chỉ định của bác sĩ nha khoa nhé!
Nếu đang tìm hiểu về vấn đề tháo lắp, bạn hãy tham khảo bài viết sau nhé! Phục hình tháo lắp là gì? Quy trình phục hình tháo lắp diễn ra như thế nào?