• Hotline: 0793 999 996
Follow us on:

Phân loại các kiểu mọc lệch của răng khôn

Răng khôn là loại răng mọc khá phức tạp do thường mọc lệch, gây ảnh hưởng tới việc ăn nhai, sức khỏe răng miệng và cuộc sống hàng ngày bởi những cơn đau nhức diễn ra liên tục. Răng khôn mọc lệch có nhiều kiểu khác nhau, phát hiện sớm và nhận diện được các kiểu răng khôn mọc lệch sẽ giúp bạn có hướng xử lý, khắc phục kịp thời. Bài viết dưới đây hướng dẫn cách nhận biết một số dạng răng mọc lệch và những lưu ý khi gặp phải trường hợp này. Hãy cùng tham khảo nhé!

1. Các kiểu mọc lệch của răng khôn

Răng khôn mọc lệch là do thiếu diện tích trên cung hàm hoặc phát triển ở một vị trí bất thường, khiến răng không mọc theo phương thẳng đứng như bình thường. Răng khôn mọc lệch thường gồm các dạng sau:

  • Răng khôn mọc kẹt về phía gần

Răng khôn mọc kẹt về phía gần là trường hợp thường gặp. Nguyên nhân là do trục của răng bị nghiêng về phía trước, đẩy vào răng hàm liền kề (răng số 7) một góc khoảng 45 độ. 

Khi nhìn kỹ sẽ thấy chiếc răng này mọc trồi lên trên nướu nhưng tì vào răng số 7, gây chèn ép và xô lệch răng số 7.

  • Răng khôn mọc kẹt theo chiều thẳng đứng

Răng khôn mọc kẹt theo chiều thẳng đứng là khi răng mọc thẳng nhưng thân răng quá to, không thể nhú lên trên nướu, gây ra hiện tượng đau nhức, khó chịu. 

Có một vài trường hợp răng mọc thẳng nhưng kẽ răng giữa răng 7 và răng 8 quá lớn, làm thức ăn bị giắt lại, gây hôi miệng, viêm lợi, viêm quanh răng và sâu răng.

Răng khôn mọc theo trục thẳng đứng ít khi phải nhổ vì phần lớn chúng sẽ mọc bình thường mà không gây rắc rối gì. Bác sĩ chỉ khuyên nhổ bỏ nếu răng mọc ngầm, gây áp lực với mặt dưới của răng bên cạnh hoặc xương ở phía sau trong miệng.

  • Răng khôn mọc kẹt nghiêng về phía sau

Răng khôn mọc kẹt nghiêng về phía sau (còn gọi là răng khôn hàm dưới lệch xa) thường xảy ra khi mọc răng khôn hàm dưới. 

Nguyên nhân là do răng không đủ chỗ để mọc lên, đâm khỏi nướu, khiến răng mọc nghiêng, xiêu vẹo hoặc mọc nằm ngang gọi là tình trạng răng mọc kẹt.

Trường hợp này, bác sĩ cũng khuyên nên nhổ sớm vì dễ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng về sau như: gây viêm nhiễm, đau đớn, sưng tấy lợi, chảy dịch, mủ và ảnh hưởng đến răng số 7.

  • Răng khôn mọc kẹt nằm ngang

Răng khôn mọc kẹt nằm ngang là răng mọc theo phương nằm ngang, tạo góc 90 độ với răng số 7. 

Đa số trường hợp này răng mọc ngầm dưới xương hàm nên không nhìn thấy răng, chỉ nhìn được khi chụp X quang toàn hàm. Răng càng mọc dài thêm thì càng sẽ đâm vào răng bên cạnh. Trường hợp này để lâu rất nguy hiểm, dễ gây nang quanh răng dẫn đến u nang và hỏng chân răng số 7.

  • Răng khôn mọc kẹt trong niêm mạc miệng

Răng khôn mọc kẹt trong niêm mạc miệng là răng bị lợi che phủ (lợi trùm). Lợi trùm răng khôn xảy ra khi một vạt nướu đè lên trên, khiến răng khôn không trồi hẳn lên được, gây sưng tấy, viêm nhiễm dẫn tới bệnh viêm lợi trùm. 

  • Răng khôn mọc kẹt trong xương hàm

Răng khôn mọc kẹt trong xương hàm là tình trạng khi răng khôn mọc lên nhưng bị xương hàm bọc kín, không thể thoát ra được nên thường khó phát hiện. Răng khôn mọc lệch, mọc sai vị trí thường kèm theo triệu chứng sưng lợi, nướu, đau buốt và cứng hàm.

2. Những nguyên nhân khiến răng khôn mọc lệch

Răng khôn mọc lệch là do:

  • Vì răng khôn là chiếc răng mọc cuối cùng, vào thời điểm là khoảng 16 tuổi trở lên. Khi đó, các răng đã mọc đủ nên răng khôn không còn chỗ để mọc thẳng lên, bắt buộc phải mọc theo hướng khác.
  • Răng khôn mọc khi cấu trúc hàm đã ổn định, cung hàm không còn diện tích cho răng khôn nên khiến chúng mọc lách trong xương theo chiều dễ mọc nhất, khiến răng bị mọc lệch, mọc ngầm.
  • Ở độ tuổi trưởng thành, nướu đã dày và chắc chắn trên xương hàm nên gây khó khăn cho răng khôn mọc lên. Điều này không chỉ làm chậm thời gian mọc của răng mà còn ảnh hưởng đến chiều răng mọc vì nướu quá cứng chắc, răng phải tìm cách mọc lên nên khiến răng mọc sai vị trí.
  • Răng khôn mọc lệch do bị nghẽn hoặc phát triển ở một vị trí bất thường, dẫn đến là răng mọc không đúng vị trí.

3. Tại sao phải nhổ răng khôn mọc lệch?

Phần lớn răng khôn mọc lệch sẽ rất khó vệ sinh và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vì thế, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên nhổ răng khôn mọc lệch, mọc ngầm trước khi chúng gây ra những biến chứng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Một số biến chứng thường gặp khi răng khôn mọc không đúng vị trí là:

  • Nếu răng khôn mọc kẹt thì phần lợi trùm trên răng sẽ ngăn cản răng mọc lên. Khi răng không mọc được, thức ăn sẽ bị kẹt lại giữa răng và lợi rất khó vệ sinh sạch sẽ. Những mảng bám này để lâu ngày sẽ tạo vi khuẩn, vùng lợi lại bị tổn thương nên nguy cơ cao là sẽ bị nhiễm trùng.
  • Nếu răng số 8 mọc lệch, đâm vào răng số 7 làm thức ăn bị giắt lại ở khe giữa răng số 7 và răng số 8, khiến răng bị sâu.
  • Răng khôn mọc không đủ chỗ cũng dễ bị viêm nướu do thức săn bị kẹt lại. Nếu để lâu, hàm sẽ bị sưng lên, vi khuẩn lan từ hàm xuống cổ họng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.
  • Trường hợp răng khôn mọc ngầm, đâm sang răng số 7, làm răng số 7 bị thủng chân hoặc thân răng, dẫn đến nguy cơ viêm tủy. Nếu không kịp thời nhổ răng khôn thì nguy cơ mất răng số 7 rất cao.
  •  Răng khôn mọc ngầm sẽ tạo áp lực lên xương hàm, gây nguy cơ mắc các bệnh lý: nang chân răng, viêm mô tế bào, tiêu xương quanh ổ răng… làm giảm độ cứng chắc của xương hàm.

4. Những lưu ý khi nhổ răng khôn mọc lệch

Khi bác sĩ chỉ định trường hợp của bạn cần nhổ răng khôn để đảm bảo sức khỏe thì bạn cần lưu ý những điều sau:

Trước khi nhổ răng khôn:

  • Khám tổng quát, chụp X quang và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết do bác sĩ chỉ định
  • Thông báo với bác sĩ về các bệnh lý mình đang mắc phải, tiền sử bệnh lý, các loại thuốc điều trị bệnh đang sử dụng (nếu có).
  • Lấy vôi răng để tránh tình trạng nhiễm trùng, viêm nhiễm có thể xảy ra
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…  trước ngày nhổ răng khôn.

Lưu ý sau khi nhổ răng:

  • Thực hiện theo lời dặn của bác sĩ, uống thuốc theo đơn để giảm đau và giúp vết thương lành nhanh hơn
  • Những biểu hiện thường gặp sau khi nhổ răng khôn như sưng đau, sốt nhẹ, chảy máu có thể xuất hiện nhưng bạn không nên quá lo lắng. Để giảm bớt hiện tượng này, bạn hãy chườm lạnh ở vùng má, gần vị trí nhổ răng trong ngày đầu và chườm ấm vào các ngày sau để tan máu tụ.
  • Nếu sưng đau, sốt kéo dài, chảy máu không dứt, bạn nên ngay lập tức đến gặp bác sĩ để được xử lý, tránh xảy ra nhiễm trùng.

Răng khôn bị kẹt, mọc lệch , mọc ngầm… nếu không phát hiện và khắc phục sớm sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Vì thế, khi có những triệu chứng mọc răng khôn, bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để khám và chụp Xquang cụ thể, xác định hướng mọc, tình trạng của răng để có cách xử lý kịp thời nhé!

Nhiều trường hợp mọc răng khôn rất phức tạp. Nếu gặp phải trường hợp răng khôn mọc ngang, bạn có thể tham khảo bài viết sau: Răng khôn mọc ngang có nên nhổ không?

BÀI VIẾT MỚI

DANH MỤC

DANH MỤC

BÀI VIẾT ĐỌC NHIỀU