Mọc răng khôn là tình trạng xuất hiện phổ biến ở hầu hết những người trưởng thành, trong độ tuổi 17 – 25. Do đó, có khá nhiều chị em phụ nữ ở độ tuổi này mọc răng khôn khi đang mang thai. Vậy bà bầu mọc răng khôn có sao không? Có ảnh hưởng sức khỏe gì không? Cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!
1. Răng khôn là gì?
Răng khôn (hay còn gọi là răng số 8) là răng hàm lớn thứ ba, mọc cuối cùng trên cung hàm. Răng khôn thường mọc khi các răng khác đã mọc đủ, xương hàm đã cứng chắc, ngừng tăng trưởng và phát triển nên nó không còn chỗ đứng trên cung hàm. Do đó, thay vì mọc thẳng theo hướng bình thường thì răng số 8 sẽ mọc khác biệt: mọc ngang, mọc ngược, mọc ngầm… gây đau nhức, khó chịu, thậm chí là viêm nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của khổ chủ.
2. Bà bầu mọc răng khôn có sao không?
Trong thời gian mang thai nếu răng khôn mọc lên đúng phương, đúng chiều như những chiếc răng còn lại thì có thể sẽ không gây hại đến sức khoẻ. Ngược lại, nếu nó có chiều hướng mọc lệch, mọc ngầm hay mọc chen chúc vào các răng kế cận sẽ gây tình trạng đau nhức, sốt, xương hàm khó cử động… khiến việc ăn uống gặp nhiều khó khăn.
Quá trình ăn uống kém nếu kéo dài có thể khiến mẹ bầu thiếu hụt dinh dưỡng, không đủ dưỡng chất cung cấp cho thai nhi. Lúc này, thai nhi có thể đối mặt với nguy cơ còi xương, thiếu cân…
Đối với người bình thường, răng khôn mọc lệch, mọc ngầm hay mọc chen chúc có thể loại bỏ bằng các giải pháp nha khoa để bảo vệ sức khỏe răng miệng và tránh ảnh hưởng tới các răng khác.
Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai thì khác. Bởi đây là thời điểm rất nhạy cảm, mọi tác động dù lớn hay nhỏ cũng đều cẩn thận để tránh ảnh hưởng tới thai nhi. Do đó, việc điều trị răng khôn cho mẹ bầu không hề đơn giản.
Bà bầu bị đau răng khôn phải làm sao? Nếu cảm thấy khó chịu, cách tốt nhất mẹ bầu nên đến nha khoa để bác sĩ thăm khám và cho lời khuyên. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để điều trị răng khôn mà không có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra nên chú ý nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để bé phát triển tốt.
3. Đau răng khôn khi mang thai phải làm sao?
Nếu phát hiện răng khôn mọc trong quá trình mang thai và gây cảm giác đau nhức, khó chịu, mẹ bầu nên sắp xếp thời gian đến nha khoa để bác sĩ thăm khám và kiểm tra tổng quát tình trạng răng miệng, từ đó tư vấn hướng điều trị phù hợp, an toàn.
Bên cạnh đó, các mẹ có thể áp dụng một số cách đơn giản tại nhà để giảm bớt cơn đau do mọc răng khôn khi mang bầu:
- Nước muối ấm
Đây là giải pháp giảm đau răng khôn hiệu quả, an toàn cho mẹ bầu. Nên ngậm nước muối 2 lần sáng – tối sau khi ăn hoặc vệ sinh răng miệng để vừa sát khuẩn, làm sạch khoang miệng vừa cắt giảm cơn đau tạm thời, giúp mẹ bầu thoải mái, dễ chịu hơn.
- Chườm nước đá
Mẹ bầu có thể sử dụng khăn bọc vài cục nước đá rồi chườm lên vùng má răng khôn bị đau để làm giảm đau tức thì.
- Tỏi tươi
Trong tỏi có nhiều thành phần có tính diệt khuẩn, kháng viêm tự nhiên nên có khả năng giảm đau và ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Nguyên liệu này thường có sẵn trong nhà nên phụ nữ mang thai có thể dùng để giảm đau răng khôn mọc lệch.
Cách dùng: Lấy vài tép tỏi giã nát cùng ít hạt muối trắng rồi đắp lên vùng răng đau.
Ngoài những cách giảm đau khi mọc răng khôn cho bà bầu trên thì cũng còn một số cách dân gian sử dụng nguyên liệu thiên nhiên để cắt giảm cơn đau. Tuy nhiên, mẹ bầu trước khi dùng bất kỳ nguyên liệu nào đưa vào cơ thể cũng nên tìm hiểu thật kỹ lưỡng hoặc hỏi qua ý kiến bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Bên cạnh áp dụng những cách giảm đau khi mọc răng khôn ở trên, mẹ bầu cũng nên chú ý đến vấn đề vệ sinh răng miệng. Nếu cảm thấy hàm răng có sự bất thường, để đảm bảo an toàn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn thông tin cụ thể.
4. Có nên nhổ răng khôn khi mang thai?
Với những biến chứng nguy hiểm khi răng khôn mọc lệch, mọc chen lấn, mọc ngầm… thì các bác sĩ thường khuyên nên nhổ bỏ để bảo vệ sức khỏe toàn diện. Thế nhưng đây chỉ là giải pháp dành cho người bình thường. Còn với phụ nữ mang thai thì không nên nhổ răng.
Bởi khi nhổ răng khôn, mẹ bầu sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn như: chụp X-quang, sử dụng thuốc gây tê, cầm máu, thuốc kháng sinh, giảm đau… Tất cả những tác động này đều ảnh hưởng trực tiếp đến thai, có thể gây dị tật thai nhi.
Hơn nữa, nếu quá trình nhổ răng khôn không đảm bảo, thao tác thiếu chuẩn xác sẽ gây đau đớn, viêm nhiễm nặng hơn, nặng nề hơn có thể sẽ phải đình chỉ thai nghén.
Mọc răng khôn là hiện tượng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khi bước vào tuổi trưởng thành, kể cả khi đang mang thai. Khi gặp vấn đề này đừng quá lo lắng mà hãy tìm đến trung tâm nha khoa uy tín để bác sĩ thăm khám và tư vấn giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.